Để mang được vẻ đẹp tuyệt vời của đại dương về ngôi nhà của bạn, chúng ta có nhiều phương pháp setup khác nhau. Có cách chơi tốn ít chi phí ban đầu nhưng tốn thời gian và công sức bảo trì về sau, có cách chơi chi phí ban đầu tương đối cao, nhưng dễ dàng vận hành và bảo trì, tiết kiệm thời gian và công sức sau này . Tùy theo khả năng và điều kiện mỗi người mà chúng ta sẽ có những sự lựa chọn phù hợp.
Trước khi bắt đầu, điều quan trọng nhất là phải xác định được bạn sẽ nuôi những gì. Một hồ nuôi cá không, nuôi san hô mềm + lps, hay full sps sẽ có chi phí và cách setup rất khác nhau. Đa phần những người chơi sẽ chọn một hồ với vẻ đẹp hài hòa giữa cá và san hô.
Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày những thiết bị cơ bản nhất để mỗi người chơi chúng ta có thể xây dựng một đại dương thu nhỏ của riêng mình.
I. Kích thước hồ:
Kích thước hồ cá sẽ phụ thuộc và “ngân sách”, các sinh vật nuôi và không gian mà bạn có thể dành cho hồ cá của mình.
Hồ cá biển không hề rẻ, làm một hồ cá quá nhỏ, mua sắm thiết bị sau đó thanh lý và nâng cấp dần lên hồ lớn hơn không phải là một ý tưởng hay. Thiết lập hồ cá với kích thước lớn nhất mà túi tiền của bạn có thể đáp ứng sẽ tiết kiệm chi phí sau này cho bạn hơn nhiều. Hồ cá lớn hơn cũng dễ dàng vận hành, và có thêm không gian cho các sinh vật sống của bạn phát triển. Bên cạnh đó các chỉ số cơ bản cũng ổn định hơn do sự thay đổi nồng độ các chất diễn ra một cách từ từ.
II. Các thiết bị cơ bản cho hồ cá:
1. Bơm tuần hoàn:
Tùy theo kích thước hồ mà chúng ra sẽ chọn các loại bơm khác nhau. Thường là có lưu lượng dòng chảy gấp 5-10 lần dung tích hồ.
2. Protein Skimmer:
Protein skimmer – máy tách bọt, dùng để loại bỏ các chất bẩn ra khỏi hồ cá biển. Đây là thiết bị rất quan trọng, bạn nên tham khảo kĩ trước khi mua để chọn ra sản phẩm phù hợp cho hồ của mình. Một skimmer mạnh còn một phần giúp bạn có thể nuôi được lượng cá và san hô nhiều hơn – đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người chơi.
Với những hồ nuôi san hô mềm + lps, bubble magus là một dòng skimmer phù hợp. Những hồ mix reef hoặc full sps nên lựa chọn những skimmer có công suất cao hơn, và giá thành cũng mặn chát hơn.
3. Máy tạo sóng:
Đây là thiết bị dùng để tạo ra những dòng chảy khác nhau, đảo nước trong hồ, giúp cho nước không bị tù đọng. Dòng chảy rất quan trọng, nó giúp mang thức ăn tới cho san hô, giúp cá khỏe mạnh, tạo thêm oxy hòa tan vào trong nước. Với những dòng cá surgeon fish như bắp nẻ nhật, bắp nẻ Achilles, luồng nước mạnh còn giúp chúng giảm thiểu stress và thoải mái hơn.
Đối với hồ san hô mềm, LPS thì lưu lượng vào khoảng 20- 50 lần thể tích hồ.
Đối với hồ nuôi san hô cứng thì lưu lượng nước phải lớn hơn 50 lần thể tích hồ.
Cần lưu ý là một số loại san hô mềm không chịu được luồng nước mạnh, bạn cần điều chỉnh vị trí của chúng trong hồ cho phù hợp, và không nên chiếu trực tiếp tạo sóng vào san hô.
4. Đèn:
Các loại đèn chuyên dụng cho hồ cá biển có tác dụng mô phỏng ánh sáng tự nhiên, giúp san hô có thích nghi và phát triển. Bạn có thể lựa chọn Led, T5 hay Metal Halide tùy theo nhu cầu.
Metal: cường độ ánh sáng cao, dải quang phổ gần với ánh sáng tự nhiên, cho san hô tốc độ phát triển tốt nhất. Nhược điểm là tỏa nhiều nhiệt, chi phí thay bóng cao và màu sắc san hô không được bắt mắt.
T5: ưu điểm là cho màu sắc khá dịu, tốc độ phát triển tốt và phủ đều tới các góc của san hô. Nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu + thay bóng định kì cho bộ đèn T5 tốt khá cao.
Led: Hiện nay led là sự lựa chọn phổ biến nhất với những ưu điểm như tiết kiệm điện, tỏa nhiệt ít, dễ dàng lập trình tạo các chế độ thích hợp cho san hô của bạn. Nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, tuy nhiên chi phí trong toàn bộ vòng đời sản phẩm lại thấp hơn so với T5 và Metal.
5. Máy làm mát nước:
Bạn có giữ nhiệt độ trong hồ san hô từ 23 đến 28 độ C. Nhiệt độ dao động trong ngày không nên quá 2 độ C với hồ nuôi cá và không quá 1độ C với hồ SPS.
Ở việt nam phổ biến những loại máy lạnh sau:
Hailea với các dòng HC 150A, HC 300A, HC 500A, HC 1000BH …
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng ống trao đổi nhiệt titan ruột gà cho những hồ có kích thước lớn.
6. Lò khử No3, Po4:
Đây là thiết bị giúp xử lí No3, Po4 trong hồ cá.
Lò khử PO4 dùng vật liệu lọc là GFO như rowaphos, powerphos, thay mới định kì.
Lò khử No3 dùng vật liệu lọc như biopellet, bổ sung định kì.
7. Dosing pump
Dosing là loại thiết bị giúp bổ sung tự động có điều khiển các chất dạng dung dịch vào hồ cá biển .Nó rất tiện lợi , bạn chỉ cần cắm các đầu hút của nó vào lọ đựng dung dịch cần bổ sung. Thiết định các thông số như là định kỳ 1 ngày bơm bao nhiêu ml dung dịch vào hồ… thế là bạn có thể đi công tác thoải mái mà không phải lo lắng cho hồ của mình. Thiết bị này thường có ít nhất 3 đầu vào ra để bổ sung 3 chất thiết yếu cho hồ đó là Alk, Ca, Mg. Ngoài ra nó còn có thể gắn thêm nhiều đầu hút nữa để bổ sung nhiều loại hóa chất hơn.
Các bạn có thể tính toán lượng chất cần bổ sung cho hồ của mình trên trang Sản phẩm – Infinity Corals
8. Lò Calcium
Với những hồ cá kích thước lớn, khi mà bổ sung các chất dạng dung dịch qua dosing pump khá là “đau thận” thì lò Ca là một giải pháp cần thiết.
Đây là thiết bị tạo ion canxi cung cấp cho san hô cứng để nó có thể phát triển.
Thiết bị này rất quan trọng với hồ nuôi san hô cứng, nó giúp ổn định Ca+ là yếu tố quan trọng của 1 hồ cá biển. Ưu điểm so với dosing là lò Ca giữ biên độ Ca/ Alk ổn định hơn, nếu setup ban đầu chuẩn thì vận hành khá tiện lợi, ít phải căn chỉnh lại. Tuy nhiên chi phí ban đầu cho một lò Calci loại tốt là khá cao.